Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

"TIỀN"

 T
rong xã hội, mỗi người chúng ta ngày ngày, ai mà không lao vào xã hội bon chen để kiếm sống. Và cái mà hàng ngày chúng ta phải khổ cực để kiếm nó, đó là một loại chất kịch độc, nó làm chết cái tâm thánh thiện của con người, để phát sinh cái tâm xấu xa nổi dậy điều khiển con người. Nó khiến bao mồ hôi, nước mắt của con người tuôn xuống. Nó làm lòng người thay đổi một cách tráo trở, mưu mô dẫn đến lường gạt tạo bao thủ đoạn chiếm đoạt để mà có nó. “Tiền”.
Tiền là thứ có thể thay đổi hoàn cảnh bất cứ tình huống nào. Nó có thể chuyển kẻ nghèo hèn thành một đại gia, một tỷ phú thành một kẻ ăn xin; nó có thể chuyển kẻ thù thành người thân, mà cũng có thể chuyển người thân thành kẻ thù; kẻ xa lạ thành anh em, anh em trở thành người xa lạ; hay là một người thánh thiện thành một kẻ bất nhân, một người độc ác thành người lương thiện; hoặc là một mái ấm gia đình trở thành lộn xộn và ngược lại… Bởi có câu:
“Có tiền mua được cả tiên thánh
Không tiền phải chịu trăm đắng ngàn cay.”
Và cũng từ nó mà bao nhiêu giọt nước mắt cay đắng của ta hoặc của người bị ta cưỡng chế, tạo nhân xấu với họ đã tuôn xuống, bao nhiêu gia tài từ nó sanh ra cũng từ nó mà hủy diệt. Có bao nhiêu cuộc tình éo le, bao nhiêu tử thi chết oan uổng, uất ức cũng từ một chữ “tiền” mà ra. Tóm lại tiền là nguyên nhân và để cho ta lãnh hậu quả, nên mới nói:
“Không tiền thì khổ, mà có tiền càng khổ hơn”
Khổ chỗ nào? Chẳng hạn:
Khi ta không có tiền, ta phải bươn chảy đổ mồ hôi, sôi nước mắt kiếm tìm. Khi có rồi thì lại chưa biết đủ phải chạy theo người chạy theo đời, hy sinh cả thanh danh, lương tri để cầu đạt được hơn người hơn đời mới thôi. Rồi khi cơn gió vô thường thổi đến trong một đêm se lạnh khi ta đang nằm tính toán lo âu, thì chỉ trong một phút chốc thở ra mà không hít vào, ta ra đi không một lời trăng trối, khi thác đi rồi thì bao nhiêu tiền của mà ta tạo ra có đem được theo đâu, mà chỉ có cái nghiệp ác, cái nhân xấu ta đã tạo cùng đồng hành với ta mà thôi. Đấy là cái khổ
Hoặc giả một gia đình, vợ chồng, con cháu, anh chị em…sống bên nhau hạnh phúc, cùng chung nhau lao vào thế giới bên ngoài kiếm kế sinh nhai, rồi không mai chuyện xảy ra về mặt tiền của là có thể bao nhiêu hạnh phúc ấy trong một phút tan tành, đổ vỡ. Thí dụ trong các thành viên gia đình có một người bỗng dưng phát tài thì cũng phải chia đồng đều. Nhưng tâm chúng sanh lúc nào cũng vậy phải có đâm thọc, tranh nhau để được tiền được của, rồi bao sự đẫm máu diễn ra tại một gia đình hạnh phúc. Đấy là khổ …khổ.
“Người không biết đủ không bao giờ được sự an lạc
Ta càng cần nhiều thì ta càng thấy thiếu
Ta càng trì níu thì ta càng thấy cô đơn”
Thật vậy khi ta càng muốn thật nhiều, thật đầy đủ và đầy đủ hơn sự ta mong muốn thì không bao giờ ta hạnh phúc và đạt được ước muốn. Chỉ có người sống biết đủ, muốn bao nhiêu thì làm bao nhiêu, làm được bao nhiêu thì biết bấy nhiêu mới có cái hạnh phúc ấy, mà trên thế gian được mấy người. Người ơi ! đừng nên để cái chất kịch độc của tiền nó điều khiển ta xa vào con đường tội lỗi. Sống nên biết sử dụng cái đồng tiền vào mục đích chính và còn sống ngày nào thì nên làm các điều thiện, các việc phước đức để đời. Đừng lao vào cuộc sống lợi danh, bạc tiền, ham cầu đua chen làm chi cho khổ. Hãy chắp tay nhất tâm mà niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Hãy sống biết đủ và biết đủ để cầu hạnh phúc.
“Hỡi bạc tiền ở cõi nhân sinh
Làm cho nhân thế bao người đổi thay
Biết chi cái quả, cái nhân
Làm bừa, làm bậy chỉ vì cái tham.
Tiền có thể cho người cao cả
Cũng có thể thành kẻ đê hèn
Giàu sang, phú quý, vinh hoa
                                    Hay là nghèo khổ rồi ra bần cùng.
Sống thì chỉ biết mưu sinh
Chết đi có gói đem theo được gì?
Bao nhiêu nhân ác, nghiệp dày
Giờ đây theo xuống điện đài Diêm Vương.”
                                                       Tăng sinh: Thích Chân Trí.


1 nhận xét:

  1. Xin cho mình xin ý kiến đóng góp của các bạn đọc giả nha, cứ thẳng thắng bình luận. Mình rất hoan hỷ.
    A Di Đà Phật xin chỉ bảo thêm!!!1

    Trả lờiXóa